Đình Bảng (tên Nôm là "Đình Báng") là một ngôi đình nằm ở làng Đình Bảng (xưa là làng Cổ Pháp hay tên Nôm là làng Báng) thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XVIII, thờ các vị Thành hoàng gồm Cao Sơn đại vương (thần Núi), Thủy Bá đại vương (thần Nước) và Bách Lệ đại vương (thần Đất) đồng thời thờ 6 vị có công dựng lại làng vào thế kỷ XV. Được khởi công xây dựng từ năm 1700 thời Hậu Lê, quá trình kiến tạo kéo dài 36 năm, đến năm 1736 mới hoàn thành. Người hưng công là quan Nguyễn Thạc Lương, người làng Đình Bảng (từng trấn thủ Thanh Hóa) và vợ là Nguyễn Thị Nguyên. Ông bà đã cúng nguyên liệu dựng đình là gỗ lim, một loại gỗ quý và bền chắc có tiếng. Đình Bảng là một trong những ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất còn tồn tại đến ngày nay. Người xưa đã có câu: Thứ nhất là đình Đông Khang Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm Đình Bảng gồm tòa đại đình đồ sộ với hậu cung phía sau theo dạng mặt bằng hình chuôi vồ. Tòa đại đình (Bái Đường) dài 20m, rộng 14m, cao 8m, phần mái đình rủ xuống đẹp đẽ chiếm tới 5,5m tổng chiều cao. Vẻ độc đáo của ngôi đình thể hiện ở không gian mái đình tỏa rộng, nét đồ sộ của những đầu đao, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa, và trang trí điêu khắc dày đặc. Đình được dựng trên nền cao có thềm bó bằng đá xanh. Đặc biệt, đình mang kiến trúc nhà sàn với sàn gỗ bề thế cao 0,7m so với mặt nền, sáu hàng cột ngang và mười hàng cột dọc bằng gỗ lim có đường kính từ 0,55m đến 0,65m. Tất cả hệ kèo, cột đều được chạm khắc, các chi tiết không giống nhau. Nghệ thuật điêu khắc thể hiện xu hướng của thời điểm cuối thế kỷ 17, đầu 18 là nghệ thuật cung đình lấn át nghệ thuật dân gian. Hoa văn trang trí trên các cấu kiện kiến trúc rất đa dạng, chạm trổ tinh vi, trau chuốt, hài hoà. Kết cấu bộ khung đình khá vững chắc, gắn với nhau bằng các loại mộng. Mỗi bức chạm khắc ở đình là một tác phẩm nổi tiếng độc nhất vô nhị. Theo các cụ cao niên trong làng, đình Đình Bảng có tất cả 28 kiểu chạm khắc bộ long và hàng chục kiểu chạm khắc bộ ly, quy, phượng, không một bộ nào giống nhau về hình thể cũng như kích cỡ, càng chiêm ngưỡng, càng thêm bị cuốn hút. Bức "bát mã quần phi", tám con ngựa nhởn nhơ chơi trên đồng cỏ, đất nước thanh bình, con vật cũng vui. Bức "lưỡng nghê phục chầu", con đực, con cái, mỗi con một vẻ. Những bức chạm rồng tuyệt xảo: "Long vân đại hội", "Ngũ long tranh châu", "Lục long ngự thiên"... từng bức, từng bức gợi tả bao điều. Hình rồng chiếm số lượng lớn với khoảng 500 hình. Con rồng mang nhiều lớp nghĩa, như biểu hiện cho mây, mưa và ước vọng mùa màng thuận lợi của người nông dân. Rồng cũng biểu hiện cho uy quyền của bậc đế vương, đặt ở đình càng tăng thêm vị thế của Thành hoàng làng. Sưu tầm nhiều nguồn