(ĐVO) - Chữa cảm cúm bằng...bia Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chứng minh rằng bia có thể giúp chữa trị được bệnh cảm cúm và một số bệnh về đường hô hấp. Tờ Financial express cho biết các nhà khoa học Nhật Bản vừa tiến hành một loạt các thí nghiệm, chứng minh rằng bia, hay đúng hơn là chất humulon có trong cây hoa bia, có thể được sử dụng để chữa cảm cúm và một số căn bệnh nguy hiểm khác. Thành phần chính để làm bia là cây hoa bia, cây này mang lại vị đắng và giúp bảo vệ cơ thể khỏi các loại virus gây ra bệnh viêm phổi, viêm phế quản nặng ở trẻ. Humulon còn có tác dụng ngăn chặn quá trình viêm do virus gây ra. Theo nhà nghiên cứu Yuna Fushimoto của nhà máy bia Sapporo Breweries, Nhật, chất humulon chiếm một lượng rất nhỏ trong bia. Để chất này có thể phát huy tác dụng, một người cần uống khoảng 30 cốc bia với dung tích 350ml. Các nhà nghiên cứu đang xem xét đến khả năng đưa chất humulon vào bữa ăn hoặc đồ uống không cồn để trẻ nhỏ dễ uống/ăn.
(Bác nào mê chắn cận thận này) (ĐVO) - Ngồi nhiều tăng nguy cơ tử vong sớm Các nhà khoa học đã chứng minh việc ngồi lâu rất có hại cho sức khỏe. Càng ngồi lâu, tuổi thọ càng giảm. Một nghiên cứu được Hiệp hội ung thư Mỹ tiến hành đã chỉ ra rằng những phụ nữ ngồi 6 tiếng/ngày có khả năng chết sớm cao hơn 37% những người không ngồi nhiều. Ngồi lâu có thể dẫn tới ung thư, béo phì, tiểu đường loại 2, các bệnh về tim mạch và thậm chí là chết sớm. Ngoài ra, ngồi nhiều còn ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất. Nó có ảnh hưởng tiêu cực tới lượng đường trong máu, chất triglyceride, cholesteron, động mạch và chỉ số hoocmon leptin “ngon miệng”-những chỉ số sinh học của bệnh béo phì và tim mạch. Ngồi lâu cũng ảnh hưởng đến hệ bạch huyết- nơi giúp cơ thể có thể tự bảo vệ khỏi bệnh nhiễm trùng.Nhiều nhà khoa học khẳng định ngồi liên tục trong 5 đến 6 giờ/ngày, dù bạn có luyện tập thể thao 1 giờ/ngày, cũng nguy hại như hút 1 bao thuốc vậy.
Tôi thường xuyên ngồi >6 giờ liền lại còn hút hết mấy bao thuốc nữa, thể thao không luyện mà chưa thấy bị gì này
Google plus: Hãy kể tên năm người giàu nhất thế giới. Hãy kể tên vài người đoạt vương miện hoa hậu hoàn vũ trong mấy năm gần đây. Hãy kể tên 10 người đã đoạt giải Nobel. Hãy kể tên 6 nghệ sĩ mới đây được nhận giải thưởng của viện hàn lâm khoa học - nghệ thuật điện ảnh trao tặng. Bạn có thể trả lời dễ dàng không? Chắc là không? Vấn đề là không ai trong chúng ta nhớ đến những ngôi sao của ngày hôm qua cả, dù những thành tích của họ không phải là thành tích hạng hai. Họ là những siêu sao trong lĩnh vực của họ. Thế mà khi tràng pháo tay chấm dứt, khi những giải thưởng mờ nhạt đi, những thành tích bị lãng quên thì những lời chúc mừng nồng nhiệt cùng những tước hiệu cũng sẽ bị chôn vùi theo chủ nhân của nó. Và đây là những câu hỏi khác, hãy xem thử bạn sẽ trả lời như thế nào: - Hãy kể tên vài thầy cô đã giúp đỡ bạn trong quá trình học tập. Hãy kể tên 3 người đã từng giúp bạn trong những lúc khó khăn. Hãy kể tên vài người đã cho bạn những bài học đáng giá. Hãy nghĩ đến người đã làm bạn thấy cuộc sống giá trị và ý nghĩa. Hãy nghĩ đến năm người mà bạn thích nói chuyện với họ. Hãy nêu tên một nhân vật trong phim nào đó mà câu chuyện của họ làm bạn ngưỡng mộ và rung động. Dễ hơn phải không? Và bài học chính là những người đã làm cuộc đời bạn khác đi không phải là những người danh tiếng nhất, nhiều tiền nhất, hay nhiều giải thưởng nhất. Họ chính là những người đã từng bận lòng với bạn.
Em đã tìm ra cách giảm hút thuốc rồi Bài học là bây giờ em nằm để làm việc (Đừng nghĩ bậy : không phải như các bác nghĩ đâu ) -> Ngày giảm được 1 bao thuốc Cảm ơn bác nhiều
Xin Dành Một Phút Suy Tư Về Chữ TÂM Những ngày giáp Tểt trời dịu lạnh, mưa lâm râm, cây mai trước chùa nở lác đác mấy bông vàng, cánh hoa mỏng manh, khẽ run run trước gió, như những đốm lửa bé xíu nhen ấm góc trời Đông. Thầy Hân đứng dưới mái hiên chùa nhìn những búp hoa xanh tơ lòng bâng khuâng nhớ ân sư. Chú tiểu đang chùi bộ lư đồng: - Năm này mai trỗ đúng Tết phải không thưa thầy? - Ừ. Chú tiểu vẫn bậm môi, kẹp cứng chiếc lư giữa hai bàn chân, hai tay kéo giẻ dạ chạy qua chạy lại chà xác chiếc lư đồng ngời lên. Nghỉ tay, chú lại hỏi: - Con nghe người ta nói sáng mồng một mai vàng nở là năm đó tốt lành phải không thưa thầy? - Dị đoan! Tốt xấu do hạnh nguyện, tu tập, sự lao động của mình mắc chi mai nở mai tàn, nhưng người ta hay tin giờ phút mới mẻ, thiêng liêng ngày đầu năm, trong nhà có sắc khí tươi tắn của mai vàng thì may mắn. Hơn nữa cốt cách mai vàng đoan chính, dẻo dai chịu đựng mưa gió nóng lạnh suốt năm, chờ Tết khai hoa đón xuân về. xxx Sau thời kinh đầu ngày, thầy thong thả ra y áo, thay nhật bình qua nhà trai thưởng trà. Chú điệu hớt hải chạy vào: - Bạch thầy, cây mai…mai… Thầy chiêu một ngụm, rồi bỏ tách trà xuống. Biết có chuyện quan trọng. Vẻ mặt thầy vẫn ánh nét dịu hiền, dằm thắm để giảm sự căng thẳng từ chú tiểu: - Chuyện chi mà vội vội vàng vàng rứa? - Dạ, cậy mai bị trộm rồi! Dù cố bình tĩnh nhưng mặt thầy lộ nét nghiêm trọng. Cây mai trước do chính ân sư trồng, ân sư nâng niu cây mai như tăng chúng trong chùa. Bây giờ ân sư đã viên tịch, thầy thương quý nó như ân sư; kỷ niệm còn lại của ân sư trong tâm khẳm của thầy là lời dạy bảo, đức hạnh của ân sư, ngôi chùa và cây mai nầy. Thầy có trách nhiệm chăm sóc vun vén nó. Tuy vậy, thầy vẫn điềm tĩnh, từ tốn đi theo chú tiểu đang chạy lóc cóc đôi guốc mộc trở lại trước chùa. Thầy Hân đứng sững trước bồn hoa trống không. Cây mai không cách mà bay!? Rải rác trên nền đất mấy bông hoa nhàu úa, chỉ còn gốc mai bám rêu xanh, trơ trất thớ gỗ còn lùi xùi mùn cưa ướt... Chú tiểu mắt rướm nước: - Hu... hu.. ui... ai cưa trộm cây mai rồi... hu... Thầy Hân không nói gì lặng lẽ lấy đi cái cưa, hì hục cưa ở gốc mai còn lại lấy ra khúc gỗ chừng một tấc. Chú tiểu ngạc nhiên hỏi: - Cưa khúc gộc làm chi vậy thưa thầy? - Rồi chú sẽ biết... chú đi chợ tết với thầy nhé? xxx Chợ hoa tết ven sông tràn lấn hè phố. Người mua người bán đông đúc. Trên vỉa hè một rừng mai quá đầu người mọc lên từ hồi nào. Thầy dẫn chú tiểu len lỏi suốt buổi mà chưa chọn được một nhánh mai nào. Thầy biết ý, an ủi chú tiểu: - Chịu khó một lát nữa rồi về, ai đời đi chơi chợ Tết mà mặt mày bí xị như bị mất sổ gạo vậy? Thầy đứng trước một cây mai rất giống cây mai trước chùa, chăm chú nhìn tỉ mỉ từ gốc cho tới ngọn, kể cả những u nần xù xì… Rồi thầy hỏi thằng bé đứng bán gốc mai ấy: - Bố mẹ cháu đâu cháu phải bán mai một mình thế? - Bố cháu đang ở bệnh viện chăm sóc bà nội cháu bệnh nặng, trưa bố cháu mới ra thay cháu. Sư thầy mua đi, hoa có sáu cánh thầy ạ, chiều thế nào người ta cũng mua mất uổng lắm. Cháu bán rẻ mà. - Rẻ là bao nhiêu? - Ba triệu hai không bớt, sư thầy coi đẹp thế này. Thầy Hân đứng trầm ngâm một hồi rồi nói: - Thôi đựơc ông mua cho cháu ba triệu, mau đi gọi cha cháu ra đây nhận tiền. Thằng bé "dạ" một tiếng rồi cắm cổ chạy đi sau khi cẩn thận nhờ người bán mai kế bên trông chừng. Thằng bé trở lại dẫn theo một người đàn ông có dáng đi thập thững. Ông nhìn thầy với cái nhìn lấm lét, dò xét và cất giọng cò kè: - Thầy cho đúng ba triệu hai. - Cũng được, nhưng nhờ chú cùng tôi chở cây mai lên nhà tôi. - Không. Tui bận lắm, thầy có mua thì đưa tiền đây, tui bưng lên xe cho thầy - Người đàn ông dặn thằng bé - Tau không bán nữa, tau có việc, mi không được kêu tau nghe chưa. Thấy người đàn ông định lủi mất vào đám đông, thầy Hân gọi: - Chú nớ, tiền đây tới lấy! Mắt người đàn ông sáng lên, quày quả đi lui. Thầy Hân gọi mọi người đến vây quanh người đàn ông và cây mai, nói: - Nhờ bà con cô bác chứng kiến hộ tôi – Thầy Hân lục xách lấy khúc gỗ mai cưa đem theo - Đây là cây mai nhà tôi bị cưa trộm đêm qua, cô bác coi này! Thầy Hân nhờ một anh thanh niên nâng cây mai trong thùng sắt lên, ráp khúc gỗ mai đem theo khít vào gốc cây mai người đàn ông bán. Mặt người bỗng tái đi, nói lắp: - Cây mai của tui mà, cây giống cây, thầy ráp vào gộc nào cũng vừa, thầy đừng nói bậy... người tu hành đừng vu... Thầy Hân với tay cào lớp rêu vào cục u nần, sù sì trên thân cây mai, lộ ra pháp danh của thầy màu vàng cháy, nói: - Chú không còn chối bừa nữa nhé, đây là pháp danh của tôi, tôi khắc Tết mấy năm trước. Trước hai chứng cớ rõ ràng, người đàn ông run rẩy định lẻn nhanh ra khỏi vòng người. Anh thanh niên nhanh tay bẻ quặt tay người đàn ông lại và nói: - Thầy đem hắn vào đồn công an. Mọi người ra vẻ đồng tình, ai ai cũng nhìn người đàn ông với ánh mắt không thiện cảm, xen lẫn thương hại. Thằng bé đứng lớ ngớ bên cha nó khóc… - Xin thầy tha cho ba cháu, nhà cháu nghèo lắm! - Ai nghèo cũng đi ăn trộm cả à? - Có tiếng người nói to. - Mẹ tui bệnh, tui trộm mai bán lấy tiền lo thuốc thang cho mẹ, xin thầy xá tội cho tui lần đầu! Thầy Hân đứng trầm ngâm một hồi rồi thủng thẳng nói: - Thôi xin bà con tha cho chú làm phước. Chú đưa cây mai về giúp tôi, tôi không đưa chú đến công an đâu mà sợ, tôi ngần nầy tuổi nầy rồi không lừa chú đâu. Người đàn ông lập cập cùng thằng bé vác cây mai ra xe xích lô. Thầy và chú tiểu lên xe chạy theo cùng. Trên đường ngang bệnh viện, thầy bảo thằng bé trông chừng cây mai và chờ thầy vào bệnh viện thăm mẹ chú bán mai. Trong bệnh viện thầy Hân thấy mẹ chú bán mai com rom trong lớp chăn cũ. Bà cụ mệt nhọc thở. Nghe tiếng chú bán mai gọi, cụ bà hé đôi mắt mờ và cái miệng xám xịt thều thào: - Con mua thuốc cho mẹ chưa? Mẹ đau trong người lắm! Chú bán mai mân mê cánh tay da bọc xương của mẹ rơm rơm nước mắt! Thầy Hân lấy ra xấp tiền khoảng bốn triệu đem theo để chi dùng, bọc trong giấy báo đưa cả cho chú bán mai: - Anh cầm tiền lo thuốc thang cho bà cụ. Chú bán mai cầm xấp tiền tay run run. Chợt chú quỳ xuống trước mặt thầy Hân, vừa khóc vừa nói: - Cháu và mẹ cháu đội ân thầy suốt đời. Thầy Hân đỡ chú bán mai đứng lên và khuyên nhủ mấy lời tâm huyết rồi từ biệt chú bán mai cùng bà cụ. Cây mai vàng của chùa đã trở về chùa. Nó không đứng trong bồn hoa mà đứng trong nhà trai. Vừa treo những thiệp Tết lên cây mai chú tiểu vừa ngẫm nghĩ câu nói của người xưa "Người ta thường ngả mũ trước tài năng, nhưng sẵn sàng quỳ gối trước lòng tốt" - Quay sang nói với thầy Hân: - Chú bán mai quỳ gối trước lòng nhân ái của thầy? - Lòng nhân ái không cầu người khác quỳ gối, mà cầu cảm hóa được họ. Tất cả mọi sự đều vô thường, sống chết của con người cũng vô thường huống chi là cây mai, hôm kia thầy học được bài học hiếu thảo từ chú bán mai, bài học dạy cho thầy kính yêu cha mẹ và ân sư hơn, chỉ cho thầy biết buông bỏ và ban cho. Chú tiểu à, chỉ có nghiệp theo ta mãi mãi - Thầy Hân ngước lên nhìn bầu trời, lẩm bẩm - Mùa xuân đã về mang bao niềm hoan hỷ đến với mọi người… Nếu ai từ bi, niềm hoan hỷ trong tâm tư nhân lên gấp bội… Chú tiểu hiểu lời dạy của thầy: - A DI ĐÀ PHẬT. (Nguyễn Nguyên An)
Chồng Già! 1. Chồng già nhìn rất giống ông già. Do đó mình sẽ không bị mang tiếng là bỏ nhà theo… trai. 2. Người già quen nhiều nên đông khách. Khách tới nhà nếu mình ra mở cửa hay hỏi: “Bố cháu có nhà không?” khiến ta có cảm giác lâng lâng rất sung sướng. 3. Chồng già luôn đi chậm, nên nếu chở vợ bằng xe máy, tai nạn giao thông rất ít xảy ra. Nếu có xảy ra, cảnh sát thường nghĩ lẽ phải về chồng mình. 4. Chồng già mắt kém, nên nếu ta có đi với bồ, chồng nhìn thấy thì vợ sẽ cãi: “Anh nhìn nhầm rồi” và chồng già vội vã tin ngay. 5. Chồng già răng yếu nên nhai lâu. Nhai lâu nên ăn chậm. Ta lợi dụng ra luật lệ: “Ai ăn sau phải rửa chén đĩa”, thế là ta thoát. 6. Chồng già hay ho. Khi nghe tiếng ho, ta biết mùa đông đã về, khỏi phải xem dự báo thời tiết. 7. Chồng trẻ nhìn thấy một cô gái trẻ thường hỏi: “Em nào đấy?”. Còn chồng già nhìn thấy gái trẻ thường hỏi: “Con nhà ai đấy?”, khiến ta rất yên tâm. 8. Chồng trẻ đi đường hay để vợ nắm tay mình. Còn chồng già lại nắm tay vợ. 9. Chồng già hay bàn tới tương lai. Còn chồng trẻ thường bảo: “Tương lai là không biết”. 10. Chồng trẻ hay nhìn vợ rồi thở dài. Còn chồng già hay nhìn bản thân mình rồi thở dài. 11. Chồng già hay hỏi thăm ba má vợ. Còn chồng trẻ hay hỏi về bạn bè vợ, nhất là bạn gái. 12. Khi cãi nhau, chồng trẻ gào lên: “Tôi lấy cô là một sai lầm” trong khi chồng già nói: “Tôi biết sai lầm nhưng vẫn lấy em”. 13. Khi ra tòa ly dị, chồng trẻ nói: “Chúng tôi không hợp nhau”, còn chồng già nói: “Chúng tôi cũng chả biết không hợp ở chỗ nào”. 14. Khi vợ có bồ, chồng trẻ nói: “Cô làm cho tôi ngạc nhiên”, còn chồng già nói: “Em làm cho anh tan nát”. 15. Cứ tới cuối tuần, chồng trẻ nói: “Mình đi chơi”, còn chồng già nói: “Mình đi nghỉ”. 16. Khi đang ăn bị hóc xương, chồng trẻ càu nhàu: “Bỏ cái gì vào mồm cũng phải nhìn chứ”, còn chồng già nói: “Sao em không đưa miếng đó cho anh?”. 17. Gặp một cô gái bốc lửa mặc áo tắm, chồng trẻ nhìn cô ta, còn chồng già nhìn sang vợ. 18. Khi mua đồ tặng vợ, chồng trẻ nhìn túi tiền, còn chồng già nhìn xem đứa khác đã mua chưa. 19. Khi đi xa, chồng trẻ gọi điện thoại về hỏi: “Nhà có chuyện gì không?”, còn chồng già hỏi: “Em có chuyện gì không?”. 20. Khi nhà hàng xóm nhảy nhót điên cuồng, chồng trẻ mở cửa ra nhìn, nói: “Vui nhỉ”, còn chồng già đóng cửa lại, lẩm bẩm: “Chúng nó làm gì mà ầm ĩ thế?”. 21. Chồng trẻ hay tiếc những đồng tiền đã tiêu, còn chồng già hay tiếc những đồng tiền không tiêu. 22. Chồng trẻ khi đi tắm hay sai: “Em lấy cho anh cái khăn”, còn chồng già luôn kiểm tra có khăn rồi mới chui vô phòng tắm Theo VTH
Rượu ngon! Chuyện xưa kể rằng tại một ngôi làng, một nhóm mười người tổ chức cuộc gặp mặt đón xuân mừng năm mới. Một vị lên tiếng: "Tôi đề nghị chúng ta mỗi người góp tay, góp phần để vui xuân bằng cách mỗi người mang theo rượu ngon của mình và đổ chung vào một chum lớn để cùng chia sẻ trong dịp xuân". Mọi người đồng ý và vui vẻ ra về. Khi về đến nhà, một người trong nhóm bỗng cảm thấy hối tiếc vì mình đã dại dột nhận mang theo bầu rượu quí lâu năm của mình để nạp chung vào cho nhóm. Vốn không muốn chia xẻ bầu rượu của mình và cũng tiếc tiền để mua rượu khác cho bữa tiệc, anh rất rối trí, buồn rầu. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, anh quyết định: Ta sẽ đổ nước lạnh vào bầu rượu. Khi đến dự tiệc, ta sẽ đi thẳng vào chum lớn và đổ "rượu" của ta vào đó. Chín người kia sẽ mang rượu ngon của họ đến, như thế "rượu" của ta sẽ hoà lẫn vào rượu của họ, thì chắc chắn sẽ không ai biết được, vì một bầu nước của ta sẽ bị lấn át bởi chín bầu rượu kia. Và như thế ta vẫn có rượu uống như mọi người mà không mất bầu rượu quí này. Đến ngày dự tiệc, anh ta làm đúng như kế hoạch đã dự tính. Trời tối, chum lớn, từng người một đem rượu của mình đổ vào chum và quay về chỗ ngồi chờ khai mạc tiệc vui. Sau khi mọi người đã vào bàn tiệc, ông chủ nhà mới sai anh hầu bàn rót rượu mời từng vị khách. Ai ai cũng tỏ vẻ háo hức muốn thưởng thức rượu ngon. Bắt đầu từ chủ nhà đến các vị khách, mỗi người đều nhắm rượu. Nhưng mắt mỗi người lại nhìn chằm chằm vào nhau với sự nghi kỵ, soi mói, hổ thẹn, nhưng miệng vẫn hết lời khen rượu ngon hảo hạng. Thực ra, chén rượu mà họ cầm trên tay chỉ toàn là nước lạnh, vì ai ai cũng có suy nghĩ toan tính như nhau. Trong bàn tiệc cuộc đời, ai ai cũng được mời gọi mang "rượu" của mình vào cuộc tiệc ấy. Hay nói cách khác, trong việc xây dựng xã hội, đất nước, ai cũng có phần trách nhiệm mang "rượu" để góp chung vào vận mạng của dân tộc.
NƠI NÀO CÓ TÌNH THƯƠNG YÊU THÌ NƠI ĐÓ CÓ ĐIỀU KỲ DIỆU Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chang chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh. Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực,… tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa. Còn ý nghĩa chăng là những gì ta tạo ra đối với thế giới này. - Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống? - Quan trọng không phải là những thứ bạn mang theo bên mình, mà là những gì bạn đã đóng góp. - Quan trọng không phải là những thứ bạn nhận được mà là những gì bạn đã cho đi. - Quan trọng không phải là những thành công bạn đã có được trong đời, mà là ý nghĩa thật sự của chúng. - Quan trọng không phải là những thứ bạn học được, mà là những gì bạn đã truyền lại cho người khác. - Quan trọng không còn là năng lực của bạn, mà chính là tính cách - là những gì bạn cư xử với mọi người xung quanh. - Quan trọng là những khoảnh khắc bạn khắc ghi trong long người khác khi cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi bạn an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng của mình, hay chỉ đơn giản là một cái nắm tay, đỡ cho một người khỏi ngã. - Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương bạn. - Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về bạn. - Quan trọng không phải là bạn quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi mất bạn trong đời. Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương. Bởi vì chỉ có tình yêu thương mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống. (Google Plus)
“Tuần lễ khen vợ” Người ta kể rằng, có một gã chiếm được hàng trăm trái tim phụ nữ và sau đó chiếm đoạt luôn cả tài sản của họ nên cuối cùng phải vào tù. Một nhà tâm lý tò mò đến tận nơi xem hắn có bí quyết gì. Ông ta bất ngờ vì đó là một gã đã luống tuổi, hình thức bình thường, duy chỉ có cái miệng rất duyên. Ông hỏi: "Làm thế nào anh chinh phục được nhiều phụ nữ như vậy?". Hắn trả lời cụt lủn: "Có gì đâu. Cứ khen nhiều vào". Nhà tâm lý nổi tiếng người Mỹ, Dale Carnegie thường đi giảng ở các lớp học làm vợ, làm chồng. Một hôm, sau bài giảng về nghệ thuật làm chồng, ông ra bài tập cho học viên về nhà làm. Ông yêu cầu tất cả đàn ông thực hiện một “Tuần lễ khen vợ”, ngày nào cũng khen từ sáng đến tối. Ông cam đoan sẽ thấy hiệu quả ngay. Học viên chẳng mấy người tin. Có người còn nghĩ là ông nói đùa, nhưng số đông vẫn thử “làm bài tập” xem sao và kết quả thật bất ngờ. Một anh vừa ngủ dậy, nhớ đến bài tập, nói luôn: “Nằm cạnh em sướng thật, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát”. Vợ tát yêu một cái. Vợ tập thể dục xong, chồng lại khen: “Hồi này trông thần sắc em rất tốt!”. Vợ càng ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy chồng để ý đến mình. Lúc dọn món ăn sáng ra, anh ta lại xoa hai bàn tay: “Chà, em làm món gì trông ngon thế!”. Vợ sung sướng nguýt yêu chồng một cái nữa. Ăn xong lại khen: “Anh thấy đi ăn sáng ở đâu cũng chẳng bằng em làm!”. Trước khi đi làm, ngắm vợ một phút, anh lại thốt lên: “Em mặc bộ này trông quá được!”. Không ngờ chỉ trong vòng một tiếng, mới khen có mấy câu mà chưa bao giờ anh ta thấy trên gương mặt vợ lại có những nét hạnh phúc ngời ngời đến thế. Ra đến cửa anh còn quay lại: “Anh đi nhá. Em rất tuyệt”. Hết tuần, có học viên báo cáo với thầy là chỉ sau một “tuần lễ khen”, anh ta được hưởng hạnh phúc hơn 10 năm chung sống cộng lại. Nhưng có một thứ, người vợ nào cũng khao khát thì họ lại quên. Đó là lời khen. Tuy nhiên, nếu vợ đẹp thì khen đẹp, nếu quần áo đẹp thì khen quần áo, nếu ngoại hình không đẹp thì khen công dung ngôn hạnh... miễn sao phải chân thật. Khen bừa lỡ thành mỉa mai thì sẽ tác dụng ngược đấy. Ai cũng biết “đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”... Có anh... còn "dẻo mỏ”: "Em hút hồn anh ngay từ lần đầu mới gặp. Đôi mắt em sao mà sâu thăm thẳm"... Đàn ông Việt thường "quên" nịnh vợ..??? (tgth.vn)
Phở miễn phí ngày chủ nhật: Tại trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh những cửa hàng “Phở gia truyền”, “Phở cồ”, “Phở Nam Định”, “Phở Lý Quốc Sư”… thì lần đầu tiên đã xuất hiện một quán “Phở miễn phí.” Câu chuyện hi hữu và cảm động này đã được quán “Ơ ….Phở gà” (219 Khương Trung Mới, Thanh Xuân) biến thành hiện thực vào mỗi Chủ nhật hàng tuần kể từ ngày 30/12/2012. Quán “Ơ… Phở gà” sẽ cung cấp miễn phí khoảng 100 bát phở dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay, mới chỉ ngày áp dụng đầu tiên, thế nhưng đã có rất nhiều đối tượng đến cửa hàng đăng ký, gồm các đối tượng từ các bạn sinh viên tỉnh lẻ, đến những người bán hàng rong, thu mua sắt vụn, thậm chí cả những em đánh giầy, trẻ em lang thang… Để được nhận những bát phở miễn phí, người nghèo chỉ cần đến đăng ký trực tiếp tại cửa hàng và nếu có mang giấy chứng nhận hộ nghèo, hoặc giấy tờ xác nhận, trình bày hoàn cảnh khó khăn, chủ quán sẽ trực tiếp nhận và việc đăng ký này chỉ cần tiến hành một lần. Chủ cửa hàng “Ơ… Phở gà”, chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ, đây là tấm lòng của gia đình chị hướng tới người nghèo khó. Việc cung cấp phở sẽ được tiến hành đều đặn vào mỗi chủ nhật hằng tuần bằng nguồn kinh phí của gia đình. Chị không chỉ muốn mang đến những bữa ăn no cho những người nghèo mà với mong muốn họ cũng được thưởng thức những món ăn “không chỉ để chống đói, mà hướng tới người nghèo cũng được dùng những món ngon như bao người khác.”
Phát hiện "dớ dẩn" về gạo nếp! Tác giả: NGỮ YÊN Bài đã được xuất bản.: 02/01/2013 03:00 GMT+7 Mùa xuân đang về, nghĩ dớ dẩn về cái dẻo và hương nếp, nhưng lại rất nhớ những món xôi đã đi qua từng ấy mùa xuân trong đời người. Nguyên lai của sự dẻo Cách đây hơn 10 năm, hai nhà khoa học trường đại học Carolina Bắc đã phát hiện ra cái cớ sự dẻo của nếp - loại nguyên liệu ẩm thực thịnh hành ở Đông Nam Á. Một phát hiện có vẻ dớ dẩn, vì chẳng liên quan gì đến bên Tây mà Tây phải hì hì hục hục cất công, được công bố trên chuyên sanGenetics bản 23/10/2002. Bởi thế, Tây không có từ riêng để gọi nếp mà phải dùng thêm một tính từ dẻo - sticky rice. Nguyên lai của sự dẻo do một đột biến gen sáp trong hạt gạo có vẻ như là một lần duy nhất vào thời gian nào chưa xác định được tại khu vực Đông Nam Á. Đột biến gen sáp đã ngăn trở việc hình thành một loại tinh bột có tên là amylose. Các nhà trồng trọt địa phương phát hiện giống gạo này và ưa chuộng phẩm chất dính kết của nó, nên họ bảo tồn đặc tính vốn có. Nhờ vậy giống nếp tồn tại đến ngày nay. Gói xôi lá chuối. Ảnh: Trần Việt Đức TS Michael Purugganan, phó giáo sư về di truyền học, và TS Kenneth Olsen, trợ lý sau tiến sĩ về di truyền học đã nghiên cứu 105 mẫu nếp và gạo do Viện nghiên cứu lúa quốc tế ở Los Banos, Philippines - nơi ngày xưa GS. Võ Tòng Xuân từng làm việc - gửi cho. Gạo gồm hai thứ tinh bột là amylose và amylopectin. Nếp do thiếu amylose như đã nói, bèn đâm ra dẻo, trong khi gạo bời rời vì chứa tới 30% amylose. Qua nghiên cứu các chuỗi gen của các mẫu lúa tại phòng thí nghiệm nghiên cứu bộ gen của nhà trường, Purugganan và Olsen đã ráp được "một cây gen", nghĩa là một mạng lưới tiêu biểu cho các mẫu khác biệt về gen trong số các chuỗi ADN, Olsen giải thích. Dựa vào cây gen, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bản đồ đột biến gen của nếp cho thấy chỉ có một đột biến duy nhất trên cây gen. Nhìn vào những vị trí địa lý của chuỗi ADN, các nhà nghiên cứu nhìn nhận những bằng chứng khả tín hơn cả đối với nguồn gốc của nếp là Đông Nam Á. Điều này cũng phù hợp với việc nếp là món lương thực chính của nhiều nơi ở đây. Như trên đã nói, phát hiện có vẻ dớ dẩn vì tốn nhiều công sức, thay vì chạy xô đi dạy kiếm tiền như bên ta có khi còn bảo đảm hạnh phúc gia đình. Nhưng bản thân tôi, xin lấy nón biết ơn phát hiện này, vì cái dẻo của nếp là một phần cội nguồn đặc trưng cho các nền ẩm thực ở Đông Nam Á. Gánh xôi sầu riêng tại chợ Tôn Thất Đạm - chỉ có ở Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức Dầu vậy, như lần trước tôi đã viết, nếp Bắc thơm hơn nếp Nam, càng lên cao về phương Bắc càng thơm hơn, có lẽ do nếp ở đó "rặt" hơn ở đây hay do phong thổ? Nói có lẽ, vì chẳng biết đến khi nào, các bác khoa học ở ta chịu nghiên cứu vụ có vẻ dớ dẩn này, như hai ông Tây nọ, thay cho việc chạy xô dạy học đầu tắt mặt tối mà một năm không có lấy nghiên cứu nào đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Các bác khăng khăng tuân thủ khuôn vàng thước ngọc "bách niên chi kế, mạc như thụ nhân"[1] chăng? Nếp nguyên là thực phẩm chính ở một số vùng Đông Nam Á gồm Lào, Thái và Campuchia. Nếp cũng "di cư" lên phương bắc, trở thành một phần quan trọng trong ẩm thực của Trung Hoa và Nhật Bản; ở những nơi đó, nguyên liệu này được dùng trong một số món tráng miệng. Nhưng cũng như các nhà nghiên cứu chưa xác định được thời gian đột biến gen của gạo thành nếp, các folklore châu Á lại rất khác nhau về nguồn gốc của nếp. Huyền thoại Phật giáo của Lào - xứ ăn xôi thay cơm hàng ngày - ghi nhận sự hiện hữu của nếp cách đây khoảng 1.000 năm, trong khi folklore Trung Hoa lại hơn 2.000 năm. Sự khẳng định của các nghiên cứu mới đây về việc người Trung Hoa dùng nếp như là xi măng để xây các tường thành ở cố đô Tây An cách đây hơn hai nghìn năm, đến nay vẫn sống sót với tuế nguyệt, chứng tỏ nếp xuất hiện lâu hơn rất nhiều. Lừng lẫy hương nếp Trong hành trình di cư về phương Bắc, nếp có dừng lại ở Tây Bắc, Đông Bắc. Nhưng đặc trưng ở những vùng này là các khoảnh nương ăn nước trời. Giống nếp thích nghi với phong thổ đặc trưng, cho ra một loại nếp nương lừng lẫy hơn cả nếp tổ tiên của chúng ở miệt xuôi - nơi hình thành văn minh lúa nước. Lừng lẫy vì hương nếp ấy đã bay rất xa. Hương nếp ấy đi vào trong tâm thức người Việt qua sự tích bánh dày bánh chưng làm bằng chính nguyên liệu ấy. Nhưng hình thù của hai thứ bánh này thì bản quyền chưa ngã ngũ, vì ông Ngô Sĩ Liên soạn sử đã chế định lại nhiều. Gánh xôi trên đường Lê Thánh Tôn. Ảnh: Trần Việt Đức Rồi có lẽ nhờ thông tin văn chương từ câu thơ của Quang Dũng: Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Bài thơ đồng vọng cả chiều sâu và chiều rộng, mang hương thơm nếp xôi mùa em đi xa. Cách đây vài năm, nghe nhắc đến câu thơ trên, ông nhà báo Đoàn Đạt mới ở Mai Châu về lắc đầu bảo: Mai Châu mùa em thơm cứt trâu. Có lẽ thuở Quang Dũng đến Mai Châu, xứ ấy còn lồng lộng tinh khiết, môi sinh chưa bị thương mại hóa, và ông đã tả thật. Vì, sau này, lúc cuối đời chẳng thấy ông phải cất công đi tìm lại cái tôi đã mất. Hay là hai thời thế khác nhau, có kẻ còn có kẻ mất cái tôi? Sau khi đất nước thống nhất, hương nếp nương ấy bay xuống tận phương Nam, quyến rũ muốn chết. Hương nếp ấy làm mấy cánh đồng nếp ở Châu Thành, Long An, Châu Thành, Tiền Giang không dám ngẩng mặt. Mùa xuân đang về, nghĩ dớ dẩn về cái dẻo và hương nếp, nhưng lại rất nhớ những món xôi đã đi qua từng ấy mùa xuân trong đời người. Gánh xôi gà ở góc đường Sương Nguyệt Anh - Cách Mạng Tháng 8 thường bán vào lúc 14g đến chiều muộn. Ảnh: Nguyễn Thu
(tiếp) Nhớ cái hấp dẫn của xôi trong Chuyện thằng Bờm. Bờm, một thời được nhìn qua lăng kính nhà nghiên cứu văn học họ Vũ, đại diện cho giai cấp bần cố nông, nên được đề nghị gọi là anh Bờm. Rồi về sau người ta chẳng thấy quan hệ gì giữa Phú ông, một thời đại diện cho giai cấp địa chủ, với thằng Bờm. Có kẻ độc miệng thay thằng bằng cụ và phú ông bằng thằng giàu: phú ông xin đổi cục xôi, cụ Bờm cười. Xôi vẫn còn trong dòng chảy ẩm thực Việt. Trong những buổi điểm tâm sáng suốt thời cắp sách. Trong những gánh xôi gà từ buổi xế mỗi ngày từ bao năm nay, trừ Chủ nhật, của một chị bán xôi ở góc đường Sương Nguyệt Anh, Cách Mạng Tháng 8, Quận 1, Sài Gòn. Trong những thúng xôi đội đầu của chị bán xôi bắp, bà bán xôi cúc, sáng sáng tối tối ruổi rong qua những con hẻm quanh co của những xóm lao động nghèo quận 4. Không hiểu sao gánh xôi, thúng xôi ấy gây nhớ hơn là lối xôi mặn hiện đại dọn theo kiểu buffet với một lô một lốc món ăn kèm ở một số hàng quán thời nay. Xôi vẫn còn phong phú trong những lễ giỗ chạp. Nếp của bánh chưng, bánh tét, của rượu đế. Xôi không thể hết. Vì hết xôi rồi đời chăng? [1] Ý này nằm trong câu Quản Trọng trả lời vua Tề (thời Xuân Thu, Trung Quốc) về phép trị nước: "nhất niên chi kế mạc nhi thụ cốc, thập niên chi kế mạc nhi thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân", nghĩa là: Kế một năm không gì bằng trồng lúa; Kế mười năm không gì bằng trồng cây; Kế trăm năm không gì bằng trồng người.
Ngày xưa có đôi vợ chồng họ có một cậu con trai 12 tuổi và một con lừa nhỏ. Một hôm họ quyết định đi chu du thiên hạ để xem nhân tình thế thái. Khi qua một làng đầu tiên họ nghe thấy những người ở đây thì thầm : "xem thằng bé trên lưng lừa kìa, đúng là không được dạy bảo đến nơi đến chốn ... ai lại ngồi thế khi cha mẹ lội bộ bên cạnh." Nghe vậy người vợ liền nói với chồng: "Không để họ nói xấu về con mình như vậy được". Người chồng bèn nhấc cậu bé xuống và nhảy lên lưng lừa ngồi. Khi qua xóm thứ hai họ lại nghe mọi người ở đây xì xầm: "Xem kìa, người chồng kia quả là không biết xấu hổ, khỏe mạnh thế mà lại ngồi trên lưng lừa để vợ và con đi bộ " . Anh chồng liền nhảy xuống khỏi lưng lừa và để chị vợ ngồi lên, hai cha con đi bên cạnh. Qua xóm thứ ba họ lại nghe thấy người ta xì xầm: "Tội nghiệp anh chồng, làm lụng vất vả cả ngày kiếm cơm áo về cho gia đình lại phải đi bộ. Cả đứa con nữa, đúng là vô phúc mới có một bà mẹ như vậy". Nghe vậy cả ba quyết định cùng ngồi trên lưng lừa rồi đi tiếp. Khi đi qua một xóm nữa họ nghe thấy mọi người nói với nhau: "Đúng là vô cảm, độc ác. Ba người ngồi trên lưng con vật nhỏ nhắn thế kia thì nó gãy lưng mất chứ." Nghe vậy ba người liền tụt khỏi lưng lừa và đi bên cạnh con vật. Đến xóm tiếp theo mọi người cảm thấy không thể tin vào tai mình nữa khi nghe thấy dân ở đây cười nhạo báng: "Nhìn kìa, đúng là ngốc. Cả ba lết thết đi bộ trong khi con lừa chẳng có gì trên lưng"... Người ta sẽ luôn luôn tìm cách chỉ trích bạn, nhạo báng bạn và hoàn toàn không đơn giản để tìm được một người chấp nhận bạn như bạn vốn vậy. Cho nên hãy sống theo cách mà bạn cảm thấy đúng đắn và hãy đi đến những miền mà trái tim bạn chỉ lối. Cuộc sống như một màn kịch không có phần tập dượt trước. Bởi vậy, hãy hát ca, nhảy múa và yêu mỗi một giây phút của cuộc đời bạn trước khi vở kịch hạ màn không một tiếng vỗ tay. Chúc các bạn sẽ luôn nhận được những tín hiệu đúng đắn từ con tim, và luôn làm được những điều mình yêu thích mà không bao giờ phải hối tiếc điều gì nhé...