Đình Mai Động làng tôi

Thảo luận trong 'Văn hóa đình làng Việt Nam' bắt đầu bởi anh2hathanh, 15/12/15.

  1. Ấm Áp Mùa Đông 2024: Chung tay vì Cộng đồng!

    Từ ngày 01/11/2024 đến 31/03/2025. Mục tiêu: 0

    Đã có 0 người ủng hộ. Số tiền nhận được là 0

    0
    Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
  2. Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
Danh sách Ủng Hộ AAMD 2024:
Tổng số tiền:
  1. anh2hathanh

    anh2hathanh Lý trưởng

    Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Mai Động, nay là phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Làng tôi thuộc vùng Kẻ Mơ xưa, là một trong những ngôi làng cổ của kinh thành Thăng Long. Mai Động có nghề làm đậu phụ, ấy chính là thứ đậu Mơ màu vàng mỡ gà, mịn màng và bùi béo nức tiếng xa gần.
    Trong nhiều thế kỷ, Mai Động là một xã của huyện Long Đàm, sau đổi thành Thanh Đàm rồi huyện Thanh Trì. Đầu thế kỷ XIX, Mai Động thuộc tổng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1982, Mai Động tách lập thành phường Mai Động. Hiện nay, dấu tích của một làng cổ xưa vẫn còn thông qua hệ thống đình, chùa, các sắc phong và câu đối.
    Đình Mai Động thờ Đức Thánh Tam Trinh, ngài là tướng của Hai Bà Trưng và đã lập công tích lớn. Không chỉ là một võ tướng, đối với khu vực Mai Động, Ngài còn là người đã dạy chữ và truyền nghề làm đậu phụ nổi tiếng cho dân làng. Chính bởi vậy khi Ngài hoá, đã được dân làng Mai Động và lân cận thờ làm Thành hoàng.

    [​IMG]
    Hiện đình còn 5 bia đá ghi rõ về vùng đất cổ Mai Động, lịch sử xây dựng và những người có công đóng góp tôn tạo. Đáng chú ý nhất là tấm bia dựng năm Chính Hoà thứ 20 (1699), cho biết khá đầy đủ lịch sử lâu đời của vùng đất. Vào thời Lê - Trịnh, ngôi đình được Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh, hiệu là Diệu Kính quê ở ốc Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc xứ Thanh Hoá (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) xây dựng. Tại di tích còn lưu giữ 42 đạo sắc phong từ thời Vĩnh Tộ (1622) đến các vua Nguyễn, rất quí hiếm, không phải di tích nào cũng có được.

    [​IMG]

    Hội làng Mai Động được tổ chức vào ngày 4 - 6 tháng giêng hàng năm tại sân Đình. Lễ hội được tổ chức nhằm ôn lại chiến công và tưởng nhớ Tướng Tam Trinh - Một vị tướng của Hai Bà Trưng.
    Tướng Tam Trinh sinh ra và được rèn luyện tại lò vật võ huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hoá. Những năm đầu Công Nguyên ông đi thăm thú khắp nơi và dừng chân tại hương Cổ Mai (trong đó có làng Mai Động ngày nay). Thuở ấy, nơi đây là những rừng mơ bạt ngàn. Ông mở trường bên bờ sông Kim Ngưu dạy văn, dạy võ cho con em trong vùng. Người theo học rất đông. Mùa xuân năm 40, hưởng ứng lời hiệu triệu của Hai Bà, ông đưa ba nghìn tráng đinh cùng nhiều bô lão lên sông Hát Môn ứng nghĩa. Biết ông là người hiếu nghĩa, lại có tài, Hai Bà Trưng cử ông làm tướng, dẫn một đạo quân lớn, tiến thẳng tới trị sở giặc ở Luy Lâu. Trước sức tiến công như gió bão, lại bị bất ngờ, quân nhà Hán tan chạy. Nhưng đất nước thanh bình không được bao lâu, năm 43 Mã Viện lại kéo quân sang cướp nước ta. Tướng Tam Trinh được Hai Bà Trưng cử về trấn giữ vùng đất phía nam Hà Nội ngày nay. Ít lâu sau, ông về Mai Động đào hào đắp luỹ cùng nhân dân chống giặc. Khi nghe tin Hai Bà Trưng tuẫn tiết trên sông Hát, đô Tam Trinh quyết chiến một trận và hi sinh vào đêm 10 tháng Hai năm Quý Mão (43).

    Tưởng nhớ ông, nhân dân Mai Động dựng đình thờ ông làm thành hoàng. Nhân dân đất Việt tôn vinh ông là tổ vật của cả nước. Đôi câu đối ở đình ghi:

    “Đức bác thánh văn truyền Việt địa
    Ung dung thần vũ trấn Nam thiên”
    Đặc biệt, nhằm ghi nhớ truyền thống hào hùng, hàng năm Mai Động mở hội vật vào các ngày mồng 4, 5, 6 tháng Giêng. Ngày trước, sau cuộc rước và tế cáo yết thành hoàng, các cuộc đấu được diễn ra trên Đống Vật. Hội làng Mai Động đã trở thành nỗi nhớ niềm thương của nhiều thế hệ. Những năm đất nước còn cách chia, nhà văn Vũ Bằng từ đất Bắc di cư vào sống ở xứ sở mai vàng đã tả tâm trạng trong “Thương nhớ mười hai”: - Tôi thích mơ về một thuở thanh bình xưa cũ đi về Mai Động xem thi vật (…). Bây giờ ngồi nghĩ lại những tay đô ấy, thực quả tôi không biết bắt đầu từ đâu và nói thế nào cho hết được cái mê say, cảm phục của tôi hồi đó. Tôi chỉ biết rằng nếu tôi nhắm mắt lại, đến tận bây giờ tội vẫn còn mường tượng được cái màu da đỏ như táo Tầu của họ, những bắp thịt ở tay lúc thường mà chạy đi chạy lại như con chuột và cái bụng lép kèm kẹp cũng có những bắp thịt chạy dọc chạy ngang. (…) và tôi nhớ cả nữ đô Tô Thị Hằng vật nhau một buổi với chín đô đàn ông bằng những phép, “cuốn chỉ”, “ra ràng”, “vào tay tư”, “bắt bò” biến hoá như thần mà đến lúc lĩnh giải vẫn cười nói thong thả như một người mới đi chơi về”.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Lê Như Tuấn sưu tầm
    Tài khoản: anh2hathanh
    ID: 3321875
     
    chogiagiuxuong, thanhhuong251189, mod059 others thích điều này.