Đình Giảng Võ (đền Bà Chúa Kho)

Thảo luận trong 'Văn hóa đình làng Việt Nam' bắt đầu bởi Jiang Rossoneri, 20/12/15.

  1. Jiang Rossoneri

    Jiang Rossoneri Lý trưởng

    Đình Giảng Võ toạ lạc ở quãng giữa ngõ 612 La Thành, thuộc phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội, cạnh đài Truyền hình Trung ương.

    [​IMG]
    Ngõ vào đình Giảng Võ.

    Giảng Võ là vùng đất từng có kho trại quân đội và trường võ bị thời xưa. Đình Giảng Võ được xây dựng từ thế kỷ 15. Trong đình thờ bà Lý Châu Nương tức Lý Thị Châu, một nữ tướng phụ trách kho lương của quân đội thời nhà Trần, do đó dân quen gọi là Bà chúa Kho.

    Theo thần phả còn giữ trong đình, Lý Thị Châu hồi nhỏ sống ở quê mẹ, xưa thuộc phường Võ Trại (nay là Giảng Võ), huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, Thăng Long. Lớn lên theo học ở phường Bích Câu gần đó, 16 tuổi đã văn võ song toàn. Lý Châu Nương sớm xe duyên cùng ông Trần Thái Bảo, một vị tướng từng trấn giữ Hoan Châu (nay là Nghệ An-Hà Tĩnh), làm quan trải 2 đời vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông.

    [​IMG]
    Cổng đình Giảng Võ nhìn từ trong.

    Lý Châu Nương có công lớn trong việc giữ kho lương thực quân đội suốt 2 cuộc kháng chiến đầu chống giặc Nguyên với chức phong Quản trưởng quốc khố. Nghe tin chồng tử trận, Bà tự vẫn. Vua Trần phong Bà làm Phúc thần phường Võ Trại, truyền dựng đền ngay trong khu kho để nước nhà thờ cúng… lại truyền cho phường tu sửa lại cung doanh để thờ tự, lấy nơi ở cũ làm đền thờ chính.

    Giảng Võ nằm cạnh con đường từ Hà Nội đi Sơn Tây. Trước cổng đình, ngày 21-12-1873 từng diễn ra trận đánh của quân Cờ Đen, trong đó viên chỉ huy Pháp là Francis Garniere đã bị giết chết. Ngôi mộ giả của hắn cho đến thời kháng chiến chống Mỹ vẫn còn thấy ở ven đường La Thành.

    Diện tích của toàn khu vực ngôi đình trước kia rộng khoảng 10.000 m2; hiện nay bị lấn chiếm nhiều, chỉ còn 1.700 m2. Trước đình có một hồ nước nhỏ, cây cối xung quanh um tùm; tất cả tạo nên một khu di tích đẹp.

    [​IMG]
    Hồ đình Giảng Võ.

    Đình đã qua trùng tu nhiều lần nhưng kiến trúc vẫn giữ được nét chính. Tam quan có tên là Bảo Khánh Môn đã bị phá, nay chỉ còn dấu tích gồm mấy viên đá xanh cỡ lớn ở ven hồ, cạnh ngôi miếu nhỏ. Nhà phương đình thì bị Pháp đốt phá từ năm 1946, sau này mới được dựng lại. Bên ngoài còn có 2 ngôi miếu nhỏ thờ 2 nàng hầu của Châu Nương và 2 nhà bia nằm trước sân đình.

    Phía trong cùng là toà Đại đình, nơi thờ bài vị, có long ngai và tượng bà Châu Nương… Dấu tích cổ nhất của đình là hai nhà tả mạc, hữu mạc nằm bên toà Đại đình còn khá nguyên vẹn. Ngoài ra có bốn con nghê đá, hai tấm bia đá và một số trụ đá trước đây dùng làm chỗ kê cột đình.

    Trong đình còn giữ được13 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến cấp cho Lý Châu Nương. Hàng năm, dân địa phương thường tổ chức lễ dâng hương thành kính vào các dịp ngày sinh (12/2 âm lịch) và ngày hoá (20/7 âm lịch) của Bà. Mới hơn, cứ đến ngày 23/12 âm lịch, Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ phối hợp với UBND phường Giảng Võ và Nhà hát Tuồng trung ương tổ chức lễ rước bài vị và bát hương thành hoàng làng, cầu cho quốc thái, dân an. Gần đây, giáo phường Ca trù Thăng long thường đến biểu diễn tại đình.

    Ngoài nơi thờ chính là đình Giảng Võ, tại Hà Nội còn một số nơi thờ vọng Bà Chúa Kho như đình Ngọc Khánh và đình Hào Nam. Xa xôi hơn cũng có hàng chục đền thờ Bà ở các làng thuộc Diễn Châu (Nghệ An), nhưng nổi tiếng nhất gần đây (do lầm lẫn tên) lại là ngôi đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, vốn thờ một bà chúa khác..

    - Sưu Tầm - ( Theo Vanhien.vn )