Đình Chèm

Thảo luận trong 'Văn hóa đình làng Việt Nam' bắt đầu bởi Jiang Rossoneri, 20/12/15.

  1. Jiang Rossoneri

    Jiang Rossoneri Lý trưởng

    Đình Chèm nằm ngay trên bờ nam sông Hồng, sát cửa sông Nhuệ, nay thuộc xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
    Nếu du khách đi đường thủy từ bến Phúc Tân (cạnh cầu Chương Dương), lộ trình sẽ rất thú vị vì còn có thể ghé thăm nhiều di tích khác ven hai bờ sông Hồng. Sau khi qua bãi cát Vân Sơn dưới chân cầu Thăng Long, thuyền bơi tiếp gần 1km sẽ cập bờ bên trái. Những cột nghi môn của đình Chèm rất dễ nhận ra. Du khách chỉ việc leo mấy chục bậc thì sẽ thấy dưới tán cây đa to có một bức cuốn thư lớn tạc bằng đá ghi tóm tắt lịch sử của ngôi đình.

    [​IMG]
    Bức cuốn thư cạnh cổng đình Chèm.

    Nếu ít thời gian thì phải chọn đường bộ, du khách từ bến xe bus 31 còn cần đi tiếp về phía tây theo đường đê Đông Ngạc khoảng 400m. Tới đó sẽ thấy trên mặt kè bê tông ở bên tay phải một tấm bia kiêu hãnh đề “Đình Chèm - Di tích lịch sử đã được xếp hạng đệ nhất”. Và cách đó chưa đầy trăm bước đang ẩn mình những mái đình cong cong thấp thoáng dưới bóng nhiều cổ thụ um tùm trên một diện tích khá rộng rãi.

    [​IMG]
    Lối vào đình Chèm từ đường Đông Ngạc.

    Chèm [1] là tên nôm của ngôi làng có tên chữ Thụy Điềm, sau đổi là Thụy Hương, rồi Thụy Phương. Làng xưa thuộc địa phận phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, sở hữu một trong những ngôi đình cổ nhất nước ta. Công trình kiến trúc không đồ sộ nhưng có nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Đây cũng là nơi diễn ra một lễ hội truyền thống nổi tiếng từ nhiều thế kỷ của người dân ba làng: làng Hoàng, làng Mạc và làng Chèm - Đông Ngạc.

    [​IMG]
    Cổng đình Chèm nhìn ra Hồng Hà.

    Đình thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng tức Lý Thân, sinh vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Tương truyền, thuở nhỏ Lý Thân là một cậu bé cực kỳ khôi ngô, lớn lên lại có tầm vóc cao lớn lạ thường, văn giỏi, võ tài, tính tình hiếu nghĩa, cương trực. Thời bấy giờ, giặc bốn phương thường đến quấy nhiễu, vua Hùng cầu người tài đức ra cứu nước. Lý Thân được quan dân tiến cử, sau đó dẹp tan giặc, lập nhiều công lớn.

    Rồi nước Văn Lang lại bị quân nhà Tần xâm lược, Lý Thân hợp sức với Thục Phán cùng chống cự hàng chục năm trời mới thắng giặc. Thục Phán lên thay Hùng Duệ Vương, lấy hiệu là An Dương Vương. Lúc bấy giờ biên cương nhà Tần thường bị Hung Nô quấy phá. Tần Thủy Hoàng sai đắp Vạn Lý Trường Thành mà cũng không ngăn nổi bèn gửi sứ giả đến Cổ Loa cầu An Dương Vương cho mượn tướng tài.

    [​IMG]
    Các đôi voi ngựa, sấu đá và nhà bia sau tam quan đình Chèm.

    Để tạo mối bang giao giữa hai nước, vua Thục bèn cử Lý Thân sang giúp. Tần Thủy Hoàng phong ông chức Hiệu úy, lĩnh 10 vạn quân lên ải bắc. Lý Thân thắng nhiều trận được phong đến tước Phụ Tín Hầu và gả công chúa. Vua Tần ngỏ ý giữ Lý Thân lâu dài nhưng ông kiên quyết từ chối và xin đem vợ con trở lại quê hương. Cuối cùng vua phải đồng ý và cho làm tượng ông với đầu, tay cử động được để trấn oai Hung Nô. Nghe nói do đó mà Ông Trọng trở thành một từ tiếng Hán chỉ những pho tượng Ông khổng lồ.

    [​IMG]
    Lối vào từ cổng phụ đình Chèm.

    Tương truyền, khi mất Lý Thân được An Dương Vương phong tước Đại Vương. Để tưởng nhớ công đức của ông, dân làng đã lập đền thờ. Theo sách Việt điện u linh cũng như ngọc phả của làng Chèm thì đình có từ thế kỷ 7. Như vậy ngôi đền có lẽ được xây cách đây hai thiên niên kỷ, sau đó rất lâu mới mở rộng thành đình.

    [​IMG]
    Cột của 3 phương đình đều để gạch trần

    Từ đó đến nay, đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa lớn và mở rộng. Theo văn bia tại đình và dòng chữ Hán ghi trên thượng lương thì tòa Hậu cung được xây dựng năm Long Đức thứ 3 (1631) rồi trùng tu năm Quang Trung thứ 5 (1792) và năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793); còn tòa Đại bái được sửa chữa năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797)...

    [​IMG]
    Nhà tiền tế của đình Chèm.

    Nằm ngoài đê sông Hồng nên đình Chèm thường xuyên bị lũ lụt đe dọa. Năm 1902, đình đã được kiệu lên cao thêm 2,4 mét chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như: đinh bừa, quang gánh... Hiệp thợ do ông Vương Văn Địch ở làng Văn Trì chủ trì đã hoàn thành mỹ mãn công việc sau một năm trời. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với hệ thống cột kèo giằng nhau chặt chẽ đã được "kiệu" lên ngang với mặt đê. Tổng chi phí lên đến 500 đồng bạc đầm xòe Đông Dương mà công xá thời ấy là 7 xu một ngày.

    [​IMG]
    Nhà đại bái và hậu cung đình Chèm.

    Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc; bên ngoài có sân gạch và tường dài bao quanh. Cổng tam quan nhìn ra sông Hồng với 4 cột trụ cao và 2 cột cờ đứng gần bức tường chắn gió bắc. Cạnh tam quan có 2 cửa phụ, phía sau là sân chính với hai nhà bia và các cây cảnh. Trước nhà tiền tế có một phương đình, cột cũng để gạch trần như nhà bia.

    [​IMG]
    Mặt bên chính điện của đình Chèm.

    Trong đình hiện chỉ còn giữ được những bức chạm khắc gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18. Riêng hai pho tượng vợ chồng Lý Thân bằng gỗ sơn son thếp vàng được tạc muộn hơn vào năm 1888. Gian trong cùng của hậu cung là nơi đặt hai pho tượng này. Tượng Thượng Đẳng Thiên Vương cao 2 trượng và tượng Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung cao hơn 1,8 trượng. Ngoài ra còn có chiếc lư hương bằng đồng và nhiều cổ vật khác rất quý hiếm...

    [​IMG]
    Chạm khắc

    Hội Chèm diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng 5 âm lịch, ngày 15 là chính hội. Hầu hết các nghi thức quan trọng đều được tổ chức tại đình Chèm. Quan viên và nhân dân đến dự rất đông bởi vì đây kỳ thực là lễ hội của một cụm làng ven sông Hồng. Ngoài làng Chèm còn có các làng Liên Mạc, Hoàng Mạc cùng tham gia với tư cách là hai làng kết chạ làm em.

    [​IMG]
    Chính điện của đình Chèm.

    Đáng xem nhất có lẽ là lễ rước nước. Sáng ngày 15, theo lệ cũ ba con thuyền rồng của ba làng sẽ bơi ra giữa sông Hồng để múc nước trong đổ vào chĩnh rồi quay thuyền ba vòng trước khi trở về bờ. Sau đó dân làng rước nước vào đình. Đây là dấu vết tín ngưỡng thờ cúng của nông dân Bắc Bộ thời cổ vốn lấy nước làm nguồn sống chủ yếu.

    [​IMG]
    Mặt trước chính điện của đình Chèm.

    Cuối lễ hội Chèm thường có cuộc thi thả chim. Những chú bồ câu lần lượt xổ lồng tung cánh bay lên trời cao hàng ngàn mét. Tiếng vỗ tay và reo hò vang lên khi bóng đàn chim hiện trên mặt thau nước của Ban giám khảo chỉ còn là những chấm nhỏ li ti quy tụ dần dần thành một vòng xoáy kỳ ảo...

    - Sưu Tầm - ( Theo Vanhien.vn )
     
    Tào Tháo thích điều này.
  2. doi_la_the_thoi

    doi_la_the_thoi Chắn Hội Lèo Tôm - Interpol Sandinh

    Đình Chèm - Ngôi Đình Cổ Nhất Việt Nam
    Đình Chèm thuộc làng Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là ngôi đình cổ nhất Việt Nam, có niên đại cách đây hơn 2.000 năm. Đình thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm).


    <>[​IMG]

    <>Về Đình Chèm


    Theo thần phả, Lý Ông Trọng - Đức Thánh Chèm, sinh ở làng Chèm vào thời Hùng Duệ Vương, mất vào thời Thục An Dương Vương. Ông là người có công đánh tan quân xâm lược nhà Tần dưới thời Thục An Dương Vương.


    Đến đời Đường, đền thờ ông được tạo lập ngay tại nền nhà cũ. Về sau, nhân dân xây đình và tôn ông làm Thành hoàng của làng để thờ tại đình.


    Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu: Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, qui, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.


    Bên trong đình, các cột, mái được chạm trổ tinh vi với hình rồng cuốn thủy, rồng mây, tứ linh, cá hóa rồng, hoa lá, vân mây sóng nước mang đậm nét nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18). Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ vợ chồng ông Trọng và các tượng chầu. Tổng thể được xếp theo trục hoàng đạo Đông, Bắc, Tây, Nam.


    Tại đình còn giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; bốn bia đá, một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm bia thời Nguyễn; hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.


    Tại khuôn viên Đình Chèm có hệ thống máng dẫn nước mưa được đúc bằng đồng vào các năm 1748, 1756, thời vua Lê Hiển Tông và thời vua Minh Mệnh (nhà Nguyễn) năm 1824. Ngoài ra trong đình còn rất nhiều đồ thờ các loại đều có giá trị nghệ thuật cao như chiếc lư hương ngàn năm tuổi rất quý hiếm.


    Đình Chèm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa và xây thêm như hậu cung làm năm 1621, tam quan sửa lại năm 1773 và các lần trùng tu, sửa chữa đình vào các năm 1792, 1797, 1885, 1903 và 1913.


    Đình Chèm nằm cạnh sông Hồng. Vào năm 1903, đình được nâng lên cao thêm 2,4m chỉ bằng các phương tiện thủ công. Cả một ngôi đình nặng hàng trăm tấn toàn bằng gỗ quý với những cột kèo phức tạp được nâng lên cao ngang với mặt đê sông Hồng khi đó.


    Năm 1990, Đình Chèm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
    dinh-chem2.

    <>[​IMG]

    <>Hội làng Chèm
    Entervietnam-HoiDChem8.JPG Entervietnam-HoiDChem6.JPG




    Nhắc đến hội Chèm, ca dao có câu:


    "Thứ nhất là hội Cổ Loa

    Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm"


    Hội Chèm diễn ra từ ngày 14-16/5 âm lịch, trong đó ngày 15 là ngày hội chính. Hội Chèm diễn ra trang trọng với cuộc rước nước, rước mã, rước văn, lễ mộc dục (tắm tượng thánh), lễ phát tấu (cúng Phật). Lễ rước nước là trang trọng nhất.


    Những người mặc y phục cổ truyền, sau khi tập kết trước cửa đình, hành hương xuống ba chiếc thuyền lớn xuôi theo sông Hồng tới Thác Bạc cạnh đền Âm hồn, rồi quay lại trước cửa đình. Quãng đường đi về khoảng 4km. Tại cửa sông diễn ra nghi thức lấy nước, ba chiếc thuyền quay ba vòng để một lão nông lấy gáo đồng múc nước trong cho vào đôn cổ. Tiếng trống, tiếng reo hò, cờ bay phấp phới cùng tiếng hô “ù éo” vang dội mặt sông trên đê.


    Lấy nước xong, đoàn thuyền về Nhà Mã cách cổng đền 1km lên Bến Ngự rồi một cuộc diễu hành rầm rộ với các đoàn Phù Giá, Thủ Hiệu, Gươm Sai, Lịch Triều, Kiệu Đức Ông, Kiệu Đức Bà, Huyền Sư, Quan Viên, Chức Sắc, các bà vãi.


    Nhịp trống, nhịp chiêng dồn dập. Các em nhỏ múa sênh tiền rất vui mắt. Đám rước dừng lại trước sân đình đợi làm lễ Mộc dục. Lễ rước Văn tế tiến hành vào chiều tối. Văn tế đặt ở Long Đình rước từ nhà ông trưởng văn ra đình. Trong ngõ, bên đường, cạnh đê, dân làng bầy mâm cúng, hương trầm tỏa thơm. Nhà sư làm lễ phát tấu, diễn xướng kể lại công đức của Lý Ông Trọng và cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên bể lặng.


    Hội Chèm cho đến nay vẫn duy trì các trò chơi dân gian như bơi chải, kéo co, thả diều, thả chim bồ câu. Riêng thi bơi trải là đặc sắc. Bài ca dao cổ năm 1921 ghi:


    "Ba dân mở hội tháng Năm

    Mười hai hạ chải, hôm rằm bơi thi.

    Ba dân đánh trống chỉ huy

    Thuyền nào đạt nhất, cờ thì có mào.

    Cả Thuyết đứng mũi chịu sào,

    Hai Dương đánh mõ, Trương Giao phất cờ.

    Lái Hành khéo lượn thủy cơ,

    Dân ta đâu có được cờ mà tranh…"


    “Ba dân” được đề cập ở đây là ba làng gồm làng Chèm (Thụy Phương) và hai làng kết chạ là làng Hoàng (Hoàng Xá) và làng Mạc (Liên Mạc)./.
    Nguồn: Tin Tức Du Lịch
    P/S: Em có chèn vài hình ảnh vào bài viết theo nguồn dẫn, để bài viết thêm sinh động.
     
    Chỉnh sửa lần cuối: 23/12/15
    HàNộiMùaThuVàng thích điều này.
  3. Mod09

    Mod09 Administrator Ban quản trị

    Đình chèm đã được Jiang Rossoneri chia sẻ rồi, E xin phép gộp 2 bài vào 1 chủ đề này nhé.
     
  4. Jiang Rossoneri

    Jiang Rossoneri Lý trưởng

    Đình Chèm - Ngôi Đình Cổ Nhất Việt Nam

     
    mod09 thích điều này.
  5. hoangkhaisale01

    hoangkhaisale01 Dân đen

    Cám ơn rất nhiều vì bạn đã chia sẻ